Tuy nhiên, theo phát ngôn viên NASA Dwayne Brown cho biết trên trang Gizmodo.com, những nghiên cứu của NASA để đưa ra danh sách 13 chòm sao trên là nghiên cứu về Thiên văn học chứ không phải là Chiêm tinh học. Đây là những thông tin đã xuất hiện trong bài phân tích cách tính 13 chòm sao để giáo dục kiến thức thiên văn cho trẻ được công bố trên trang Spaceplace.nasa.gov từ hồi tháng 1/2016.
Trong bài viết trên Spaceplace.nasa.gov cũng lý giải rõ nguyên nhân vì sao NASA cập nhật thêm chòm sao Xà Phu.
Thứ nhất, NASA khẳng định Chiêm tinh học không phải là Thiên văn học.
Trong khi Thiên văn học là bộ môn khoa học nghiên cứu tất cả những gì ngoài vũ trụ. Các nhà thiên văn học và các nhà khoa học khác cho rằng các chòm sao ở cách xa rất nhiều năm ánh sáng và không có ảnh hưởng tới hoạt động cơ bản của con người trên Trái đất.

12 cung hoàng đạo
Còn Chiêm tinh học, theo NASA, là một cái gì đó không phải khoa học. Không có bằng chứng cho thấy Chiêm tinh học có thể được sử dụng để tiên đoán về tương lai hay miêu tả về một ai đó chỉ dựa trên ngày sinh của họ. Thế nhưng nhiều người lại thích đọc về những tiên đoán Chiêm tinh học hay cung hoàng đạo trên các báo chí hiện nay.
Thứ hai, NASA cho rằng việc tìm hiểu về các chòm sao trên bầu trời đã có một lịch sử lâu đời và bầu trời đã có những thay đổi.
Trong thời kỳ cổ đại các nhà thiên văn học không có hiểu biết đầy đủ về cách thức mà Trái đất, Mặt trời và các vì sao di chuyển. Họ cũng không có một quan niệm về một vũ trụ quá rộng lớn như hiện nay.
Trong khi nhiều người đã tưởng tượng ra rằng các chòm sao có thể là các biểu tượng quan trọng, được kể thành các câu chuyện về các vị thần hay các thần thoại nào đó. Điều này không phải là một bằng chứng để giải thích rằng việc thay đổi vị trí của các chòm sao vào các thời điểm khác nhau trong năm có thể là một điều gì đó quan trọng đối với con người và các sự kiện diễn ra trên Trái đất.
Người Babylon sống cách đây hơn 3.000 năm đã chia cung hoàng đạo thành 12 phần bằng nhau – giống như chiếc bánh pizza được cắt thành 12 lát bằng nhau. Họ đã chọn 12 chòm sao trong cung hoàng đạo, mỗi chòm sao sẽ tương ứng với một lát cắt. Vì vậy, giống như Trái Đất quay quanh Mặt trời, Mặt trời sẽ xuất hiện lần lượt trên từng phần của cung hoàng đạo. Kể từ khi người Babylon có lịch 12 tháng thì mỗi tháng sẽ có một lát cắt của cung hoàng đạo. Nhưng ngay cả trong các câu truyện cổ của người Babylon vẫn có 13 chòm sao trong cung hoàng đạo. Một số truyền thống và nền văn hóa khác còn có tới 24 chòm sao. NASA cho rằng, người Babylon đã bỏ một chòm sao là sao Xà Phu để cho cân xứng giữa các phần.



Vào lúc đầu tiên Babylon đưa ra 12 cung hoàng đạo thì ngày sinh giữa ngày 23/7 và 22/8 được xem là cung Sư tử (Leo). Nhưng đến nay, sau 3000 năm, bầu trời đã thay đổi bởi vì trục Trái đất (Cực Bắc) đã không còn ở vị trí giống trước đây. Cho nên hiện nay những người sinh vào ngày 4/8 sẽ có nghĩa là sinh vào cung Cự giải (Cancer) chứ không phải cung Sư tử như trước đây.
Hơn nữa các chòm sao có kích cỡ và hình dạng khác nhau, vì thế Mặt trời đi qua mỗi chòm sao cũng có độ dài khác nhau. Đường thẳng từ Trái đất qua Mặt trời tới chòm sao Xử nữ (Virgo) mất 45 ngày, trong khi tới chòm Bọ cạp (Scorpius) chỉ mất có 7 ngày. Vì thế nếu làm một phép tính với lịch 12 tháng cho thấy, người Babylon đã bỏ qua thực tế rằng Mặt trời thực sự đã di chuyển qua 13 chòm sao, chứ không phải 12 chòm sao. Người Babylon đã phân 12 chòm sao với lượng thời gian bằng nhau cũng chưa thật chuẩn xác. Vì bên cạnh 12 chòm sao quen thuộc của cung hoàng đạo, Mặt trời cũng đi qua sao Xà Phu với thời gian 18 ngày mỗi năm.
Trước những xôn xao bán tán mấy ngày qua, người phát ngôn NASA Dwayne Brown một lần nữa khẳng định NASA không có mục đích thay đổi Chiêm tinh học.
“Chúng tôi không phải là thay đổi cung hoàng đạo của các bạn mà chỉ đơn giản là đang làm toán thôi. Đây là thiên văn học, không phải Chiêm tinh học. Chiêm tinh học là một tàn dư của những nền văn minh cổ đại, còn chúng tôi đơn giản là đưa ra những con số của thời hiện tại” – Dwayne Brown nói trên Gizmodo.